ĐA DẠNG SINH THÁI
Đa dạng sinh thái nghĩa là có nhiều loài thực vật và động vật trên đất trồng. Nếu biết tính toán để tận dụng đa dạng sinh học, thêm vào đất trồng những loài có lợi với mục đích cụ thể, lợi ích mang lại sẽ rất lớn. Quan trọng nhất là phải biết cách cung cấp môi trường sống cho thiên địch tồn tại. Hầu hết côn trùng có ích đều cần phấn hoa và mật hoa để hoàn thành chu trình sống. Do vậy, để duy trì nguồn thiên địch xuyên suốt, ta cần trồng những thực vật cho hoa liên tục trong năm.

Một vài nhóm thực vật nên trồng bao gồm các loài thuộc họ cúc như dã quỳ (Tithonia), hướng dương (sunflowers), cúc vạn thọ (marigolds) và nhiều loại cây khác thuộc họ cúc; các cây họ đậu như cỏ ba lá (clover), cỏ linh lăng (lucerne), cây kim tiền thảo (Desmodium), cây lục lạc sợi hay gai dầu (sunn hemp); họ hoa tán như cà rốt (corrots), cây thì là (fennel), rau mùi tây (parsley); và những cây có hoa khác như cây bạch đàn hay khuynh diệp (eucalyptus), cây keo (acasia), cây trải bàn (grevillea). Những loài chim nhỏ thì cần bụi rậm, cây bụi làm tổ. Ếch, cóc, nhái cần nước. Dơi cần thân cây rỗng hoặc cây có vỏ bong ra thành hốc để ở. Thằn lằn, rắn mối cần tảng đá hoặc thân gổ lớn trên mặt đất để trú ẩn. Bảo vệ nhện cũng rất quan trọng, vì chúng khá nhạy cảm và dễ chết bởi thuốc trừ sâu.
Gia cầm có thể giúp kiểm soát côn trùng gây hại rất tốt – gà, vịt và gà phi (guinea fowl) đều ăn côn trùng. Gà phi ích gây hại cho hoa màu, nhưng gà và vịt cần được quản lý chặt chẽ để chúng không ăn nhầm cây con hoặc bới cây.
Đơn canh (monoculture) có nghĩa là trồng một loại cây duy nhất, trong khi đa canh (polyculture) là trồng nhiều loại rau màu. Nhìn chung ở Châu Phi và nhiều vùng Châu Á, hình thức đa canh khá phổ biến, nhưng những nơi khác trên thế giới lại tương đối hiếm gặp. Đơn canh có một nhược điểm lớn là cung cấp nguồn thức ăn vô tận cho sâu hại, chúng cứ gia tăng và bùng phát nhanh chóng thành dịch hại mà không bị yếu tố nào ngăn cản. Đối với đa canh, không chỉ sự gây hại của sâu bệnh được giảm thiểu, mà còn đảm bảo thu nhập ổn định cho gia đình nông dân. Vì nếu cây trồng này năng suất thấp, thì còn có sự thành công của những cây khác bù đắp. Hơn nữa, khẩu phần ăn hằng ngày của gia đình cũng được đa dạng hóa.


Đa canh còn cung cấp rào cản để ngăn dịch bệnh lan rộng, ngụy trang cho cây trồng lẫn trốn sâu bệnh, và đồng thời là môi trường sống cho động vật ăn côn trùng và nhóm ký sinh côn trùng gây hại. Lượng đạm được cố định từ cây họ đậu nếu còn dư, sẽ được cây khác tận dụng. Đối với những dịch hại phát tán chậm, như bệnh héo rũ chết nhanh do nấm Phytophthora, nhện đỏ 2 chấm và một vài loài sâu bướm, thì tốt nhất đừng nên trồng chỉ một loại cây trên diện rộng.

Nếu không có vai trò của động vật ăn côn trùng và nhóm ký sinh côn trùng tự nhiên thì sâu bệnh sẽ nhanh chóng tăng lên thành dịch lớn trong thời gian rất ngắn. Dịch châu chấu phá hoại mùa màng là một ví dụ cho hiện tượng này. Côn trùng gây hại được kiểm soát không chỉ bởi thiên địch mà còn bởi thời tiết, nguồn thức ăn và nơi trú ẩn.
Bài viết tham khảo từ tài liệu: Ứng Dụng Nguyên Tắc Quản Lý Côn Trùng, Dịch Bệnh Và Cỏ Dại Mà Không Cần Dùng Thuốc Hóa Học do Alan Broughton – Giảng dạy và nghiên cứu sinh thái học nông nghiệp Hội Nông Nghiệp Hữu Cơ (Úc) biên soạn và được hiệu chỉnh, dịch bởi Phạm Tấn Đạt – Thành viên nghiên cứu thuộc nhóm Mekongorganic.