ĐA DẠNG SINH HỌC TRONG ĐẤT
Đất trồng chứa nhiều vật chất hữu cơ được chứng minh là giúp bảo vệ cây chống lại hầu hết các bệnh liên quan đến đất, bao gồm bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora ở bơ, bệnh ghẻ ở khoai tây, nấm rễ ở cây bông, u rễ ở cây cải bắp và bệnh do tuyến trùng (giun tròn, nematodes). Phân trộn hữu cơ cung cấp hệ vi sinh đa dạng giúp bảo vệ rễ cây chống lại vi nấm tấn công. Những thí nghiệm được tiến hành bởi New South Wales Agriculture năm 1998 chỉ ra rằng, việc áp dụng phân trộn giúp kiểm soát bệnh u bướu rễ ở bông cải (cauliflowers) luôn hiệu quả hơn 10 trong số 12 mẫu nghiệm thức áp dụng thuốc hóa học. Phân trộn hữu cơ cần được trộn kỹ – nấm được sinh ra bởi phân giải kỵ khí (không đủ dưỡng khí) sẽ không thể kiểm soát nguồn bệnh. Ngoài ra, phân trùng quế cũng có tác dụng kháng bệnh như phân trộn hữu cơ.
Phân xanh từ cây trồng cũng mang lại hiệu quả tương tự. Bệnh ghẻ lở ở khoai tây do xạ khuẩn Streptomyces có thể dễ dàng kiểm soát bởi phân xanh, vì chúng kích thích vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis phát triển để ức chế dịch bệnh.
Nấm rễ (Mycorrhizal fungi), đây là loài nấm liên kết với bộ rễ của cây trồng và cung cấp dinh dưỡng khoáng cho cây, tạo thành rào cản vật lý cho bộ rễ, hạn chế cây tiếp xúc với nấm bệnh khác. Khi tỷ lệ nấm rễ trong đất giảm xuống dưới 40%, cây bắt đầu trở nên dễ nhiễm nấm bệnh khác. Một lợi ích khác nữa bên cạnh giúp cây phát triển mạnh, nấm rễ còn có thể tiết ra các chất hóa học giúp tiêu diệt mầm bệnh. Hiệu quả của nấm rễ được nâng cao hơn nữa nếu đất được bón phân trộn hữu cơ. Nấm rễ hiện nay đang bị phá hủy nghiêm trọng hoặc thu hẹp sự phát triển, gây ra bởi lối canh tác cày xới đất, đốt rơm rạ, sử dụng thuốc trừ nấm, một vài nhóm thuốc diệt cỏ, đất bỏ hoang lâu năm và đất được bón phân hóa học chứa quá nhiều gốc phốt pho hòa tan.
Các bệnh do tuyến trùng cũng dễ dàng kiểm soát bởi sinh học đất. Thực chất, sự hiện diện của các tuyến trùng gây hại chứng tỏ rằng đất đang nghèo đa dạng sinh học. Mặt khác, sự xuất hiện của các tuyến trùng có lợi cho cây chứng tỏ đất có độ đa dạng sinh học tốt. Đa dạng sinh học đất phụ thuộc vào mức độ chất hữu cơ trong đất và không có độc tố. Những tuyến trùng gây hại có thể bị loại bỏ bởi việc điều khiển hàm lượng cacbon trong đất như bón phân trộn hữu cơ, rỉ mật và rỉ đường.
ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẤT CÓ THỂ BẢO VỆ CÂY TRỒNG THEO 3 HƯỚNG:
· Hệ vi sinh vật trong đất sản xuất ra chất kháng sinh giết chết mầm bệnh (như kháng sinh penicillin từ nấm mốc xanh).
· Hệ vi sinh vật cạnh tranh với mầm bệnh trong đất.
· Hệ vi sinh vật kích thích hệ thống miễn dịch của cây kháng lại mầm bệnh.
Vi sinh vật có ích yêu cầu môi trường đất hiếu khí (thoáng khí), trong khi nhóm gây bệnh lại có thể chịu đựng được điều kiện môi trường ít ôxi hơn. Chính vì vậy, làm đất thoáng khí và sử dụng phân trộn hữu cơ sẽ giúp hệ vi sinh có ích phát triển mạnh và đủ sức cạnh tranh lấn áp nhóm gây bệnh.

Giun đất giữ vai trò rất quan trọng giúp cây chống lại các bệnh liên quan đến rễ, tuy nhiên bằng cách nào thì các nhà sinh vật đất vẫn chưa thể giải thích. Các mầm bệnh thường bị tiêu diệt khi tiếp xúc với giun đất, trong khi nhóm vi sinh vật có ích lại được kích thích phát triển lan rộng.
Bài viết tham khảo từ tài liệu: Ứng Dụng Nguyên Tắc Quản Lý Côn Trùng, Dịch Bệnh Và Cỏ Dại Mà Không Cần Dùng Thuốc Hóa Học do Alan Broughton – Giảng dạy và nghiên cứu sinh thái học nông nghiệp Hội Nông Nghiệp Hữu Cơ (Úc) biên soạn và được hiệu chỉnh, dịch bởi Phạm Tấn Đạt – Thành viên nghiên cứu thuộc nhóm Mekongorganic.