Abavina - Cộng Đồng Nông Nghiệp Thuận Thiên

ỨNG DỤNG NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CÔN TRÙNG, DỊCH BỆNH VÀ CỎ DẠI MÀ KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC HÓA HỌC [P3]

SỰ MÀU MỠ CỦA ĐẤT VÀ TÍNH CÂN BẰNG

Albrecht tiến hành thí nghiệm bằng cách bón cho các cây trồng với hàm lượng canxi và nitơ (đạm) khác nhau, những chất dinh dưỡng khác thì như nhau. Kết quả cho thấy rằng, những cây có hàm lượng canxi và nitơ hợp lý có khả năng kháng lại côn trùng tấn công tốt nhất. Nguyên nhân là do những cây này sản xuất ra hàm lượng prôtêin cao hơn, giúp cây đề kháng tốt hơn. Hàm lượng prôtêin trong cây cũng phụ thuộc vào tất cả những nguyên tố dinh dưỡng khác một cách đồng đều. Một nghiên cứu từ Francis Chaboussou, nguyên giáo sư của khoa côn trùng học tại Bordeaux, nước Pháp, đã tìm ra rằng khả năng chống lại sâu bệnh của cây phụ thuộc vào hàm lượng prôtêin chứ không phải axit amin. Khi cây khỏe mạnh và được cung cấp đủ dưỡng chất, axit amin được chuyển hóa thành prôtêin. Quá trình này được quyết định bởi nitơ, phốt pho, nguyên tố vi lượng, canxi và cả vật chất hữu cơ trong đất. Sâu hại không có enzym để tiêu hóa prôtêin, nên chúng chỉ hấp thụ được axit amin. Những cây khỏe mạnh sản xuất một lượng nhỏ nhất axit amin, nhưng lại có hàm lượng prôtêin cao nhất. Nếu môi trường đất mất cân bằng và áp dụng thuốc trừ sâu, quá trình tạo thành prôtêin trong cây sẽ bị cản trở. Quang hợp của cây là quá trình chuyển đổi cacbon điôxit từ không khí thành cacbon hyđrat (đường) bằng cách sử dụng ánh sáng mặt trời (thực vật phát triển lớn lên nhờ vào quá trình này). Quá trình quang hợp càng hiệu quả, cây phát triển càng mạnh và khả năng chống lại sâu bệnh càng cao. Để cây quang hợp đầy đủ, không chỉ phụ thuộc vào lượng cacbon điôxit trong không khí và cường độ ánh sáng mà còn phụ thuộc vào các nguyên tố dinh dưỡng khoáng được hấp thu bởi rễ cây. Cần cung cấp đủ 20 loại nguyên tố khoáng khác nhau và cung cấp đủ nước cho cây để quá trình quang hợp được tốt nhất. Những chất độc từ thuốc trừ sâu, kim loại nặng (chì và asen), phân bón hóa học và muối sẽ làm rối loạn sự quang hợp của cây. Do đó muốn bảo vệ cây trồng toàn diện, chúng ta cần cung cấp lượng dinh dưỡng khoáng hợp lý, đặc biệt chất khoáng phải có nguồn gốc tự nhiên. Phân bón hóa học do ở dạng hòa tan, nên chúng được cây hấp thụ cùng với nước. Chính vì vậy cây không thể chủ động lựa chọn chất khoáng nào chúng cần và liều lượng là bao nhiêu. Điều này dễ dẫn đến một số dưỡng chất bị thừa, thường là nitơ, đồng thời lại thiếu các chất dinh dưỡng khác. Thừa đạm làm cho cây thu hút nhiều sâu bệnh hơn, đồng thời thành tế bào cây lại mỏng, khiến cây dễ bị sâu bệnh tấn công. Chỉ nên sử dụng phân bón tự nhiên – sản phẩm hữu cơ thừa sau thu hoạch, phân trộn, phân chuồng ủ kỹ và đá nhuyễn  (như đá vôi chẳng hạn). Không nên sử dụng phân chuồng chưa qua ủ, bởi vỉ hàm lượng đạm hòa tan quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến cây không khác gì phân hóa học (như phân urê). Phân gia cầm tuyệt đối phải trộn và ủ đủ lâu trước khi bón cho cây. Bài viết tham khảo từ tài liệu: Ứng Dụng Nguyên Tắc Quản Lý Côn Trùng, Dịch Bệnh Và Cỏ Dại Mà Không Cần Dùng Thuốc Hóa Học do Alan Broughton – Giảng dạy và nghiên cứu sinh thái học nông nghiệp Hội Nông Nghiệp Hữu Cơ (Úc) biên soạn và được hiệu chỉnh, dịch bởi Phạm Tấn Đạt – Thành viên nghiên cứu thuộc nhóm Mekongorganic.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *