Abavina - Cộng Đồng Nông Nghiệp Thuận Thiên

ỨNG DỤNG NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CÔN TRÙNG, DỊCH BỆNH VÀ CỎ DẠI MÀ KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC HÓA HỌC [P2]

TẠI SAO CÔN TRÙNG, DỊCH BỆNH LẠI TẤN CÔNG CÂY?

Chỉ có những cây yếu, bệnh hoặc không phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu mới dễ bị dịch hại tấn công. Cũng như con người, chúng ta có hệ miễn dịch giúp ngăn chặn bệnh tật, cây cũng có cơ chế bảo vệ, vì vậy những cây được phát triển đầy đủ sẽ có hệ thống bảo vệ mạnh hơn những cây thiếu dưỡng chất hoặc bị rối loạn trao đổi chất. Trong nhà kính, chỉ những cây nhỏ nhất hoặc yếu nhất mới bị rệp tấn công, còn những cây khỏe mạnh thì không. Có thể coi rằng, sâu bệnh giống như sư tử ở Châu Phi, chúng giữ lại những cây khỏe mạnh đồng thời giết chết những cây bệnh và yếu.

William Albrecht, Nhà khoa học người Mỹ nghiên cứu về đất, đã nói về trường hợp này trong bài viết The Albrecht, quyển 1, phần 5, như sau:

“Sâu bệnh là hội chứng gây ra bởi vụ mùa yếu kém, chứ không phải là nguyên nhân. Sử dụng thuốc hóa học chính là thể hiện sự bí thế của nền nông nghiệp đang chết dần. Không phải sâu bệnh quá mạnh, mà bởi hệ thống canh tác không hợp lý đã làm sức khỏe cây trồng ngày càng yếu đi”.

Alfred Howard, người đi đầu trong nông nghiệp hữu cơ ở Anh nói rằng:

“Côn trùng và nấm bệnh không thật sự là tác nhân gây ra bệnh cho cây, vì chúng chỉ tấn công những cây phát triển không đầy đủ hoặc những giống cây trồng không phù hợp với điều kiện tự nhiên. Vai trò của sâu bệnh có thể coi như là hệ thống cảnh báo, cho biết cây trồng đã và đang được canh tác không đúng cách”.

Đa số côn trùng bị thu hút bởi mùi hương, mặc dù vẫn có một vài nhóm khác bị hấp dẫn bởi màu sắc nhiều hơn. Côn trùng sử dụng ăngten để tiếp nhận mùi hương từ thực vật như thu những bức xạ hồng ngoại. Mỗi khi côn trùng đậu lên cây, mùi hương từ cây đó sẽ quyết định côn trùng khó chịu và bay đi, hay ở lại gây hại. Bề mặt ngoài của thực vật cũng có vai trò quyết định, chẳng hạn như bề mặt lá cứng hoặc có nhiều lông. Mùi hương được thực vật tiết ra có thể là chất thu hút côn trùng hoặc là chất xua đuổi côn trùng. Mùi hương có thể thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của cây, thời gian trong ngày, mùa, nhiệt độ, cường độ ánh sáng, nước, tình trạng cây đang bị côn trùng phá hoại, điều kiện đất (mức độ dinh dưỡng, độ thoáng khí) và hoạt động của hệ vi sinh vật (cả có lợi và gây hại) trong đất, trên cây trồng.

Những yếu tố quan trọng làm cho thực vật dễ bị tấn công bởi sâu bệnh được đề cập bên dưới. Một số trường hợp ngoại lệ đối với những động vật có xương sống gây hại (chim hoặc những động vật khác).

Những tín hiệu rối loạn trao đổi chất được phát ra từ thực vật khi chúng thiếu chất dinh dưỡng, phun quá nhiều thuốc trừ sâu, thiếu hoặc thừa nước, gió, nhiệt độ, lạnh, thiếu ánh sáng, bị tổn thương bởi động vật khác hoặc dụng cụ canh tác. Những giống cao sản thường thu hút nhiều sâu bệnh hơn bởi vì chúng vốn đã mất cân bằng về dinh dưỡng và trao đổi chất.

Mức độ đường và đạm trong cây cũng tham gia quyết định khả năng bị nhiễm sâu bệnh. Côn trùng không thể tiêu hóa thực vật có hàm lượng cao những chất này và thậm chí dịch bệnh cũng không thể tấn công dễ dàng.

Độ dày của thành tế bào, điều này được quyết định bởi chất dinh dưỡng. Phân bón hóa học thường làm cho thành tế bào thực vật yếu đi. Một số chất xua đuổi côn trùng được thực vật tiết ra, như các hợp chất phenol, flavinoids, tannins, saponins, alkaloids, phytoalexins và dầu. Những chất này sẽ được thực vật khỏe mạnh sản xuất với lượng vừa đủ để bảo vệ cây, và dĩ nhiên yếu tố giống cũng tham gia quyết định. Những trở ngại vật lý ngăn côn trùng tấn công như lông, gai nhọn, sáp. Những đặc điểm này thường do yếu tố di truyền quy định.

Bài viết tham khảo từ tài liệu: Ứng Dụng Nguyên Tắc Quản Lý Côn Trùng, Dịch Bệnh Và Cỏ Dại Mà Không Cần Dùng Thuốc Hóa Học do Alan Broughton – Giảng dạy và nghiên cứu sinh thái học nông nghiệp Hội Nông Nghiệp Hữu Cơ (Úc) biên soạn và được hiệu chỉnh, dịch bởi Phạm Tấn Đạt – Thành viên nghiên cứu thuộc nhóm Mekongorganic.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *