Mục lục
LOẠI CÂY TRỒNG
Mướp là một loài thực vật có hoa thuộc họ bầu bí, cây thảo dạng dây leo. Lá mọc so le, dạng tim, có 5-7 thùy có răng. Hoa đơn tính, các hoa đực tập hợp thành chùm dạng chùy, các hoa cái mọc đơn độc. Quả dài 25cm – 30cm hay hơn, rộng 6cm – 8cm, hình trụ thuôn, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai.
GIỐNG MƯỚP
Mướp ta.
MÙA VỤ TRỒNG MƯỚP
Trồng quanh năm.
QUY TRÌNH CANH TÁC CÂY MƯỚP THUẬN TỰ NHIÊN
Chuẩn bị đất trồng mướp
Mướp là loại cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất. Nhưng tốt nhất vẫn là những loại đất tơi xốp, phì nhiêu và độ pH nằm trong khoảng 6 – 7 như đất mùn, đất phù sa và thoát nước tốt. Mướp được trồng tại vườn nhà, đất trộn với một ít vỏ trấu, xơ dừa và phân gà hoai mục để bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất.
Chọn giống và gieo trồng mướp
Chọn giống: giống được để lại từ vụ trước, chọn hạt giống tốt, sau đó, ngâm hạt giống trong nước ấm 4 – 5 tiếng, sau đó mang hạt ủ vào khăn ẩm trong vòng 1 ngày để hạt nứt nanh.
Gieo trồng: tạo hốc trên đất, mỗi hốc bón lót một lớp tro trấu mỏng và gieo 2 đến 3 hạt sau đó phủ lên một nắm tro trấu ẩm để giữ độ ẩm tạo điều kiện cho hạt nảy mầm.
Chăm sóc cây mướp
Khi cây còn nhỏ tỉa bỏ những cây yếu, cây sâu bệnh.
Tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối để cây phát triển tốt hơn. Lượng nước tưới tưới gia tăng nhiều hơn khi mướp mang trái. Tuy nhiên mướp là loài sợ úng nước nên phải thoát nước tốt để tránh úng cây.
Sau khoảng 40 ngày, bón lót phân gà hoặc phân hữu cơ khác. Khoảng 20-25 ngày thì bón phân 1 lần.
Khi dây mướp mọc dài được 1m, bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt, cách 1-2 đốt lại chặn đất để cho mướp ra rễ nhằm tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau này.
Khi mướp được 2 tháng, tiến hành làm giàn cho dây leo.
Các dây nhánh ở đoạn thân từ gốc lên đến giàn tỉa bỏ để gốc được thoáng. Khi mướp lên giàn thì không tỉa để dây nhánh cho trái. Khi thu hoạch xong thì bấm ngọn để trái phát triển lớn và tiếp tục cho trái ở dây nhánh khác.
Sâu, bệnh hại thường gặp trên mướp ta
Sâu hại chủ yếu trên mướp là các loại sâu đất, sâu xanh, sâu đục trái, bọ trĩ, rầy rệp, nhện đỏ,… để phòng ngừa những loại sâu bệnh này chú ý tưới nước đầy đủ cho cây, cắt tỉa bớt lá già, vun đất cao cho gốc cây để tạo độ thông thoáng, bắt bọ hoặc rầy lúc mướp còn nhỏ.
Bệnh gây hại cho thường gặp như bệnh héo cây con do nấm Rhizoctonia solani, bệnh khảm do virus, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum lagenarium trong mùa mưa và bệnh phấn trắng do nấm Sphaerotheca fuliginea trong mùa khô. Để phòng ngừa các bệnh này cần vệ sinh đồng ruộng từ vụ trước để tránh tàn dư bệnh. Không trồng liên tục nhiều vụ trên cùng một mảnh đất. Nhổ bỏ những cây hoặc lá mang bệnh.
Thu hoạch và bảo quản mướp
Khi mướp được khoảng 80 – 100 ngày gieo là bắt đầu cho thu hoạch.
Nếu chăm sóc tốt, cây mướp sẽ cho trái khoảng 2 – 3 tháng.
Mướp được thu hoạch bằng cách cắt cuống những trái đã già, da láng. Ở nhiệt độ thường mướp có thể bảo quản được 3 – 5 ngày.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
Mướp hương (mướp ta): thân dài khoảng 25-30cm, hình trụ tròn, có mùi thơm, mềm, vị ngọt mát.

CÁCH SỬ DỤNG
Đọt mướp: luộc, nấu canh thịt bằm, hấp cá, xào,v.v…
Lá mướp non: gói thịt bằm hấp.
Trái mướp: luộc, nấu canh, xào, v.v…
Xơ mướp: làm bông tắm, rửa chén, v.v…