Mục lục
LOẠI CÂY TRỒNG
Thanh long là cây lấy trái thuộc họ xương rồng, là loài thực vật bản địa của các nước Trung và Nam Mỹ. Thanh long cũng được trồng nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á. Ở Việt Nam thanh long được trồng nhiều ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An.
Thanh long có 3 loại thường gặp: thanh long ruột trắng vỏ đỏ, thanh long ruột đỏ (tím) vỏ đỏ và thanh long ruột trắng vỏ vàng. Thanh long có vị ngọt hoặc chua ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
GIỐNG THANH LONG
Thanh long ruột đỏ.
MÙA VỤ THANH LONG
Thanh long cho trái vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch.
QUY TRÌNH CANH TÁC THANH LONG RUỘT ĐỎ
Chuẩn bị đất trồng thanh long
Đất trồng thanh long được làm sạch cỏ bằng máy phát cỏ, dọn sạch tàn dư cỏ dại, diệt khuẩn bằng tinh vôi, bón lót phân chuồng, phân xanh hoai mục. Đánh đường nước để thoát nước tốt vào mùa mưa. Lên liếp đắp mô để tránh ngập úng. Đào hố trồng kích thước (50x50x50)cm, khoảng cách giữa các hố mô đất 2,5mx3m.
Chọn giống và gieo trồng
Chọn giống: thanh long ruột đỏ được chọn giống bằng cách chiết nhánh làm hom từ các cành cây khỏe, thẳng, không bị sâu bệnh hại, tuổi cành trên 6 tháng. Đáy hom cắt bỏ phần thịt bên ngoài, để lại phần lõi với độ dài từ 3cm – 5cm.
Gieo trồng: đặt trụ vào giữa hố đã chuẩn bị sẵn (chiều cao trụ sau khi đặt vào hố còn từ 1,6m – 1,8m), đặt phần lõi hom xuống đất theo hướng thẳng đứng, hom ôm sát vào trụ, mỗi trụ từ 3 – 4 hom giống. Dùng dây buộc hom giống vào trụ để cố định cho tới khi hom ra rễ. Nén chặt đất và dùng xơ dừa hoặc cỏ khô để tủ gốc giữ ẩm.
Chăm sóc cây thanh long ruột đỏ
Tưới nước: thanh long ruột đỏ là loại cây cần rất nhiều nước do đó phải cung cấp nước đầy đủ và liên lục cho cây, nhất là giai đoạn cây ra bông và mang trái. Mỗi ngày tưới nước cho cây 1 lần. Sau khi cây đã cho tán và phát triển khỏe mạnh thì tưới nước theo độ ẩm của đất và sức khỏe của cây. Mùa khô tưới tăng lượng nước và mùa mưa xới rãnh để rễ không bị úng thối do ngập úng.
Bón phân:
- Trong 1 – 2 năm đầu bón mỗi trụ khoảng 20kg phân hữu cơ hoai mục, khi cây ra bông bón bổ sung kali từ tro bếp hoặc phân chuối ủ rỉ mật đường.
- Từ năm thứ 3 trở đi cách 2 tháng bón (tưới) một lần phân bao gồm phân cá (ốc) ủ và tro bếp hoặc chuối ủ rỉ mật đường để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
- Sau thu hoạch bổ sung thêm phân chuồng hoặc phân xanh hoai mục để dưỡng cây sau thời gian cho trái.
Làm cỏ và vun gốc: làm cỏ bằng máy phát cỏ, chừa lại một phần cỏ mỏng để giữ ẩm cho đất, vun gốc sau khi bón phân để tránh trôi tro hoặc phân xanh khi tưới nước đồng thời bảo vệ gốc tránh bị rửa trôi xói mòn.
Cắt tỉa cành, tạo tán: cắt tỉa những cành ốm yếu, sâu bệnh, những cành già cành vượt để giúp cây khỏe và tạo tán cho cây.
Sâu, bệnh hại thường gặp trên thanh long
Các loại sâu hại thường gặp trên thanh long bao gồm kiến lửa, kiến kim, ốc sên, ruồi đục trái, bọ xít chích hút cành và trái.
Các loại bệnh hại thường gặp trên thanh long thường do nấm và vi khuẩn gây ra như: bệnh thối cành, rỉ sắt, nám cành, thán thư, v.v…
Ngoài ra còn các hiện tượng bệnh sinh lý khác như rụng nụ hoặc nứt trái do thừa hoặc thiếu nước.
Biện pháp phòng ngừa chủ yếu vẫn là cân bằng hệ sinh thái trong vườn, bón phân và tưới nước hợp lý. Thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm và cắt bỏ những cành cây bị bệnh đem tiêu hủy khỏi vườn. Cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, tạo độ thông thoáng cho vườn, cắt tỉa bỏ các cành già yếu. Tìm và nuôi thiên địch trong vườn như kiến vàng, bọ rùa, chim, mèo, v.v..
Thu hoạch và bảo quản thanh long ruột đỏ
Thanh long bắt đầu được thu hoạch sau khi ra bông khoảng 1 tháng, khi trái thanh long đã chuyển sang màu đỏ rực hơi mềm, phần núm nơi rụng bông hơi nhăn.
Dùng dao bén cắt ngọt nơi cuống trái, để vào giỏ có lót rơm, lá cây hoặc giấy để tránh dập trái. Thanh long thường được thu hoạch vào ngày nắng để giữ được độ ngọt.
Bảo quản nơi khô ráo thoáng mát.
MÔ TẢ SẢN PHẨM

Thanh long ruột đỏ là cây có thân bò với 3 cánh dẹt, màu xanh lục, trái thịt mọng nước màu đỏ, có lớp vỏ ngoài màu đỏ tươi. Trái dài 15 – 18cm, đường kính từ 10 – 12cm. Hạt thanh long ruột đỏ như mè đen trộn lẫn đều trong lớp cùi thịt đỏ phía trong vỏ, hạt thường được ăn cùng với thịt trái nhưng chúng không bị tiêu hóa. Thịt trái thanh long ruột đỏ có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít cung cấp calo. Bông thanh long nở vào ban đêm và có mùi rất thơm.
CÁCH SỬ DỤNG
Ăn tươi, làm sinh tố, làm nước ép, lên men rượu, làm mứt, v.v…
Bông thanh long còn có thể làm thuốc nam chữa viêm phế quản, lao và viêm hạch bạch huyết não bằng cách: lấy 30g bông thanh long nấu canh với thịt heo làm bữa ăn.
Bài viết có sự tham khảo từ các trang:
– camnangcaytrong.com
– giongcayanqua.edu.vn