Mục lục
LOẠI CÂY TRỒNG
Chôm chôm là loài cây ăn trái vùng nhiệt đới Đông Nam Á, thuộc họ Bồ hòn. Tên gọi chôm chôm (hay lôm chôm) tượng hình cho trạng thái lông của trái loài cây này. Chôm chôm trồng nhiều ở các nước có khí hậu nhiệt đới như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, v.v… Ở Việt Nam chôm chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Nam Trung Bộ, và ĐBSCL.
Thịt chôm chôm chứa rất nhiều chất xơ giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất thải, tiêu diệt ký sinh trùng, loại bỏ độc tố trong thận, bổ máu, giảm đau đầu, chữa lỵ, làm đẹp, giảm cân… Giá trị dinh dưỡng trong 100g thịt trái tươi gồm có: 63 calo năng lượng; 82.9% nước; 0.9g Protein; 0.1g chất xơ; 3mg Ca; 6mg P; 1.8mg Fe; 4 I.A Vitamin A; 0.04mg Vitamin B1; 0.05mg Vitamin B2; 0.6mg Vitamin PP và 31mg Vitamin C… Chôm chôm có nhiều loại, hiện nay ở Việt Nam có các loại chôm chôm phổ biến như: chôm chôm đường, chôm chôm Java (chôm tróc), chôm chôm nhãn, chôm chôm Rongrien (chôm Thái), chôm chôm dính.
GIỐNG
Chôm chôm đường.
MÙA VỤ
Thu hoạch khoảng tháng 5 – 7 dương lịch.
QUY TRÌNH CANH TÁC
Làm đất
Đắp bầu, khử khuẩn bằng vôi, lót phân hữu cơ tưới nước 20 – 30 ngày trước khi xuống giống.
Chôm chôm thích hợp trồng trên đất phù sa, đất thịt pha sét, độ pH từ 4,5 – 6,5. Chôm chôm trồng ở đất cao thoát nước tốt, không bị ngập úng.
Chọn giống và gieo trồng
Chọn cành chiết trên cây mẹ có năng suất, phẩm chất, sinh trưởng tốt, không nhiễm sâu bệnh hại. Thời điểm chiết là vào đầu mùa mưa.
Gieo trồng khi cành chiết đã ra rễ khỏe, đặt cành chiết vào bầu đã xử lý trước.
Chăm sóc
Tỉa cành, tạo tán
Việc tỉa cành, tạo tán cho cây được tiến hành cùng lúc. Khi loại bỏ những cành trong tán, cành mọc vượt, những cành có sâu bệnh hại, cành khô, cành không có khả năng cho trái… để giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng, tạo độ thông thoáng giúp cây hấp thụ ánh sáng tốt hơn.
Sau khi thu hoạch loại bỏ các cành sâu bệnh, cành khô, những cành không có khả năng cho trái…Sau khi cắt tỉa cành bón phân, tưới nước để cây phục hồi. Khi tỉa cành chọn những ngày thời tiết khô ráo, không làm trong thời kỳ cây đang ra lộc.
Bao trái
Trong giai đoạn nuôi trái, chôm chôm thường xuyên bị nhiều loại sâu bệnh, côn trùng tấn công: bọ cánh cứng, ruồi đục trái, bọ rầy, bọ xít…nên để bảo vệ trái đảm bảo chất lượng, duy trì năng suất cần tiến hành dùng túi chuyên dụng bao trái hoặc bao hết vườn nhằm hạn chế sự tấn công của côn trùng, sâu bệnh.
Làm cỏ
Làm cỏ bằng máy cắt cỏ hoặc xử lý thủ công: cuốc, nhổ bỏ. Khi làm cỏ làm từ trong gốc ra xung quanh tán và không làm quá sát so với phần gốc chôm chôm tránh làm tổn thương gốc cây.
Ngoài ra để tăng hiệu quả sử dụng đất, giữ độ ẩm cho đất thì bà con cũng trồng xen các cây họ đậu, rau ngắn ngày xen canh với chôm chôm. Ngoài ra việc trồng xen các cây họ đậu còn góp phần cải tạo đất và tạo nguồn phân hữu cơ cho đất.
Tưới nước
Tưới đủ nước vào mùa khô. Tưới nước cho cây từ khi bắt đầu ra bông, trái phát triển và sau khi thu hoạch. Bắt đầu ngưng tưới ngay khi xử lý ra bông cho cây. Đến khi cây vừa nhú bông thì tiến hành tưới nước trở lại. Nếu trong thời gian ngưng tưới thấy có triệu chứng cây thiếu nước thì có thể tưới nhẹ cho cây.
Xử lý ra bông
Cuốc đất tạo môi trường khô hạn khoảng 1 tuần sau đó tưới nước trở lại để kích thích ra bông.
Bón phân
Trước khi cây ra bông bổ sung lân và kali hữu cơ. Sau khi thu hoạch bổ sung đạm hữu cơ để cây phục hồi sau thời gian cho trái. Hàng năm cần bón thêm phân hữu cơ hoai mục khoảng 10-20kg/gốc/ năm hoặc bón phân tro trấu, xác thân đậu, vỏ đậu.
Sâu, bệnh hại
Sâu đục gân lá. Phòng ngừa bằng cách tỉa cành cho ra lộc tập trung để dễ kiểm soát.
Sâu đục trái. Phòng ngừa bằng cách vệ sinh vườn bằng cách thu gom những trái bị nhiễm đem tiêu hủy, cắt tỉa cành sau khi thu hoạch cho vườn thông thoáng, bao trái để giảm thiệt hại.
Bọ xít. Phòng ngừa bằng cách tỉa cành để các đợt bông và đọt non ra tập trung, dùng vợt bắt bọ xít trưởng thành vào sáng sớm. Ngoài ra, trong tự nhiên có các loài thiên địch như kiến vàng, ong ký sinh có thể tấn công trứng bọ xít, do vậy nên tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch tự nhiên phát triển nhằm hạn chế bớt sự gây hại của bọ xít.
Rệp sáp. Phòng ngừa bằng cách phun nước vào tán cây để rửa trôi rệp, tỉa bỏ những trái bị nhiễm ở giai đoạn đầu để tránh sự nhân mật số rệp sáp, hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu,…
Bệnh thối trái. Phòng ngừa bằng cách tỉa bỏ các cành gần mặt đất vì khi trái gần chín sẽ dễ nhiễm bệnh từ đất trong mùa mưa, cắt bỏ và thu gom các trái bị bệnh rơi rụng trong vườn đem tiêu hủy.
Chăm sóc vườn thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, tránh ẩm ướt để phòng ngừa các bệnh như sương mai, đốm bồ hóng, khô cháy bông, v.v…
Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch tay bằng cách dùng kéo cắt cả chùm trái để cho cành khỏi bị gãy, bị xước. Bảo quản nơi khô ráo.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
Chôm chôm đường trái có hình trứng hơi dài, trọng lượng trái 26 – 30g, vỏ trái có màu đỏ vàng đến đỏ sậm khi chín, râu trái nhỏ rất dài (11 – 13mm), có màu vàng xanh, chót râu có màu nâu. Nhược điểm của giống này là trái mau héo khi chuyên chở xa. Phẩm chất trái ngon, thịt trái ráo, giòn, chóc rất tốt, độ dày cơm 5,5 – 7,5 mm, tỷ lệ cơm 35 – 46%, vị ngon, rất ngọt.


CÁCH SỬ DỤNG
Ăn tươi, nấu chè, chế biến đóng hộp, làm mứt, làm gỏi, v.v…