Abavina - Cộng Đồng Nông Nghiệp Thuận Thiên

CAM MẬT & CÁCH ABAVINA TRỒNG THUẬN TỰ NHIÊN

LOẠI CÂY TRỒNG

Cam là loài cây ăn trái cùng họ với bưởi. Nó có trái nhỏ hơn trái bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu da cam, có vị ngọt hoặc hơi chua. Loài cam là một cây lai được trồng từ xưa, có thể lai giống giữa loài bưởi và quýt. Cam là loại cây thân gỗ nhỏ, cao đến khoảng 10m, có cành gai và lá thường xanh dài khoảng 4cm – 10cm. Cam bắt nguồn từ Đông Nam Á, có thể từ Ấn Độ, Việt Nam hay miền nam Trung Quốc. Tùy khu vực vùng miền mà có các giống cam khác nhau. Ở miền Tây Nam Bộ có 3 giống cam phổ biến là cam sành, cam mật và cam xoàn. Ở khu vực miền Trung và miền Bắc có các giống cam như cam canh, cam Vinh, cam Cao Phong, cam bù, v.v…

GIỐNG

Cam mật Phong Điền

MÙA VỤ

Cam sành có thể trồng quanh năm (nếu chủ động được nguồn nước tưới). Mùa thu hoạch rơi vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch.

QUY TRÌNH CANH TÁC

Làm đất

Nơi đất thấp lên liếp đắp mô để tránh ngập úng. Đất trồng là đất phù sa có độ tơi xốp tốt. pH đất nằm trong khoảng 5 – 6,5. Đất làm sạch cỏ bằng máy phát cỏ, diệt khuẩn bằng tinh vôi, bón lót phân chuồng, phân xanh hoai mục. Đánh đường nước để thoát nước tốt vào mùa mưa

Chọn giống và gieo trồng

Chọn giống ghép tại vườn ươm địa phương. Chọn cây tốt, đường kính của cây ghép chừng 3cm và lớn hơn 0,5cm. Chiều cao đối với cây ghép đạt 30cm, cành lá xanh và phát triển đều, không sâu bệnh. Trồng với mật độ (3-4)m x (4×5)m vào bầu đất đã chuẩn bị trước.

Chăm sóc

Tưới nước: thời gian đầu mới trồng, tưới nước ngày 2 lần cho cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau đó khoảng 15 ngày, chỉ cần ngày tưới nước 1 lần (mùa mưa không cần tưới nước). Vào mùa khô cần đảm bảo đủ nước cho cây. Ngoài ra còn vào các giai đoạn như lúc trái đang lớn và trái sắp chín. Vào mùa mưa đánh rãnh thoát nước để cây không bị úng rễ. Làm cỏ: để hạn chế cỏ dại nông dân cắt cỏ thường xuyên nhất là vào các tháng mưa, phủ phân xanh, cỏ ở dưới gốc. Sau mỗi cơn mưa xới phá váng và đảm bảo 1 năm xới gốc 2 đến 3 lần. Cắt tỉa cành tạo tán: sau 1 thời gian trồng theo dõi và cắt bỏ những cành mọc vượt hay các chồi mọc ra từ gốc ghép. Sau chừng 1 đến 2 tháng thì cây bắt đầu bắt rễ, đâm chồi. Lúc này tiến hành hãm ngọn chỉ dừng ở chiều cao chừng 70cm và chỉ giữ lại 7 đến 10 chồi mạnh khỏe nhất và cố gắng phân bổ đều ở quanh gốc. Không để các chồi che khuất ánh sáng lẫn nhau. Trong thời gian trưởng thành thì cần thường xuyên cắt bỏ cành già và cành bị gãy. Trồng cây chắn gió: trồng cây chắn gió giúp giảm bớt hơi nước và hạn chế cành gãy do cọ xát vào nhau. Hàng cây chắn gió cần được trồng vuông góc với hướng gió chính trong năm. Hàng cây này cần cách hàng cam tối thiểu 5m để tránh tình trạng tranh dinh dưỡng của nhau. Giữ ẩm: đậy tủ gốc cho cây vào mùa khô, nhằm hạn chế chi phí tưới nước, trong vườn nên cỏ cao 20 – 40cm để hạn chế nắng nóng vào mùa khô và chống xói mòn hay tăng cường thoát nước trong đất vào mùa mưa. Bón phân: bón thêm phân xanh, phân chuồng để cung cấp dinh dưỡng nuôi cây và nuôi trái.

Sâu, bệnh hại

Sâu chích hút (như bọ rầy, xít, rệp), nhện trắng gây rám trái, nhện đỏ, sâu đục thân, cành, bệnh đốm đen, bệnh loét, ghẻ, bệnh phấn trắng, bệnh thối gốc chảy nhựa. Biện pháp phòng ngừa: thường xuyên kiểm tra vườn, giữ vườn thông thoáng, mật độ sâu hại thấp bắt bằng tay hoặc các loại bẫy sinh học, mật độ cao phòng trị bằng các loại trừ sâu thảo mộc như dung dịch ớt tỏi gừng, bột hạt bình bát, lá mật gấu, dây thuốc cá, v.v… Tuy nhiên ưu tiên việc cân bằng sinh thái trong vườn, cung cấp đủ dinh dưỡng để cây tự có đề kháng chống lại sâu bệnh hại.

Thu hoạch và bảo quản

Cam mật được thu hoạch khi vỏ cam từ xanh chuyển sang hơi ửng vàng, da đã láng bóng, ra hết vỏ the, thu hái trái vào những ngày trời mát mẻ. Tiến hành thu hái bằng kéo, cắt nhẹ nhàng tránh gãy rụng cành và dập trái. Sau khi thu hoạch để cam ở khu vực thoáng mát sẽ giúp trái cam được tươi lâu hơn. Bảo quản tốt hơn ở kho lạnh.

MÔ TẢ SẢN PHẨM

Cây 5 tuổi cao trung bình 5m. Tán hình cầu, phân cành nhiều, ít gai. Lá màu xanh đậm, eo lá nhỏ, tán cây thoáng, ít có cành tăm. Cây ra 2 – 3 vụ trái/năm. Cam mật thịt trái vàng cam, ngọt thanh hơi chua. Dạng trái tròn, vỏ dày 3 – 4mm, màu xanh đến xanh vàng, khá nhiều nước, trái nhiều hạt (13 – 20 hạt/trái), trọng lượng trung bình 200g/trái.
Cam mật Abavina

CÁCH SỬ DỤNG

Dùng ăn tươi. Dùng ép nước tươi làm nước giải khát. Dùng làm bánh, mứt, rau câu…  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *