Mục lục
LOẠI CÂY TRỒNG
Dưa gang thuộc họ bầu bí và gần gũi về họ hàng với dưa hoàng kim, dưa hami và dưa lưới… Khi trái chín, thịt mềm và bở ra nên còn được gọi là dưa bở. So với các loại dưa khác thì dưa gang rất dễ ăn vì nó có vị ngọt nhẹ và rất thơm. Mùi hương dưa gang đã làm mùi cho rất nhiều sản phẩm như kẹo, nước rửa tay, xà phòng, v.v…
Theo y học cổ truyền, dưa gang có vị ngọt, tính lạnh và có tác dụng: giải nhiệt, giải độc, giải khát, chống say nắng, giúp thông khí, nhuận phế, giúp giảm táo bón, kiết lỵ và đau bụng do nhiệt, giúp lợi tiểu tiện và dễ ngủ, giúp giảm hôi miệng và chống lão hóa.
GIỐNG
Dưa gang bở
MÙA VỤ
Trồng được quanh năm, từ lúc gieo hạt tới lúc thu hoạch khoảng 2 tháng.
QUY TRÌNH CANH TÁC
Làm đất
Đất phủ rơm để hoai mục dần và dễ thoát nước.
Bón lót tro bếp và phân xanh hoai mục.
Chọn giống và gieo trồng
Chọn giống: giống được để lại từ vụ trước, chọn hạt giống tốt, sau đó, ngâm hạt giống trong nước ấm 4 – 5 tiếng, sau đó mang hạt ủ vào khăn ẩm trong vòng 1 ngày để hạt nứt nanh.
Gieo trồng: tạo hốc trên đất, mỗi hốc bón lót một lớp tro trấu mỏng và gieo 2 đến 3 hạt sau đó phủ lên một nắm tro trấu ẩm để giữ độ ẩm tạo điều kiện cho hạt nảy mầm.
Chăm sóc
Khi cây còn nhỏ tỉa bỏ những cây yếu, cây sâu bệnh.
Bấm ngọn khi dưa đã được 3 – 5 lá nhám để dưa đâm chèo.
Bắt bọ mềm ăn lá khi dưa còn nhỏ.
Khi cây còn nhỏ tưới nước cho cây 2 lần/ngày. Đồng thời, che phủ rơm cho cây để cây con không mất nước mất sức. Ở giai đoạn dưa ra hoa và nuôi trái cây cần nước nhiều hơn. Tuy nhiên thời điểm khi trái dưa gang lớn đến thời điểm chín thì hạn chế tưới nước, vì nếu tưới quá nhiều nước dễ làm dưa bị thối, chất lượng dưa không ngon. Khi cây dưa bò được 20 – 30cm, nên lấp thêm đất vào gốc để rễ cây hấp thụ nhanh các chất dinh dưỡng.
Bón phân:
- Sau 15 ngày bón thúc lần 1 cho cây bằng phân cá ủ pha với nước.
- Sau 35 ngày bón thúc lần 2 với công thức phân như lần 1.
- Sau 50 ngày bón thúc lần 3 với công thức phân như lần 1.
Làm cỏ: làm cỏ định kì tùy theo tình hình vườn bằng máy phát ở nơi lối đi và phải làm bằng tay ở những khu vực rậm rạp để tránh máy phát làm hư dưa.
Sâu, bệnh hại
Sâu hại chủ yếu trên dưa gang là các loại sâu đất, sâu xanh, sâu đục trái, bọ trĩ, rầy rệp, nhện đỏ,… để phòng ngừa những loại sâu bệnh này chú ý tưới nước đầy đủ cho cây, cắt tỉa bớt lá già, vun đất cao cho gốc cây để tạo độ thông thoáng cho dưa, bắt bọ hoặc rầy lúc dưa còn nhỏ.
Bệnh hại chủ yếu bệnh phấn trắng, bệnh khảm, bệnh đốm lá. Để phòng ngừa các bệnh này cần vệ sinh đồng ruộng từ vụ trước để tránh tàn dư bệnh. Không trồng liên tục nhiều vụ trên cùng một mảnh đất.
Thu hoạch và bảo quản
Dưa gang được thu hoạch sau 2 tháng gieo trồng bằng cách cắt cuống những trái dưa đã già, da chuyển sang màu vàng, da láng. Ở nhiệt độ thường dưa có thể bảo quản được 3 – 5 ngày.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
Thân dưa gang dạng cỏ mọc bò, đôi khi leo bằng tua cuốn. Trên thân có lông cứng nhám màu trắng trong. Lá đơn mọc cách, ở nách lá có tua cuốn đơn, trên phiến lá nhám có lông. Cây là lòai bông đơn tính cùng gốc (có bông đực và bông cái trên cùng một cây). Trái khi chín có kích thước 20 – 30cm xám vàng, cùi trắng. Hạt kích thước 5 – 8mm màu xám trắng. Trái dưa gang mọng căng nước, thịt có vị ngọt rất nhẹ, chứa nhiều Vitamin C. Khi quá chín vỏ trái dưa gang nứt ra và thịt bở nên còn được gọi là dưa bở.

CÁCH SỬ DỤNG
Ăn tươi với đường hoặc sữa, dầm đá sữa, dầm đá đường.
Xay sinh tố, làm kem.