Mục lục
LOẠI CÂY TRỒNG
Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L. là loại cây thân gỗ ăn trái sống lâu năm thuộc họ Bứa (Clusiaceae). Măng cụt là một loại cây nhiệt đới nên trồng nhiều ở các nước có khí hậu nhiệt đới. Ở châu Á, măng cụt trồng nhiều ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Ở Việt Nam măng cụt phân bố ở một số tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các vườn măng cụt tập trung ở các tỉnh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Nếu như sầu riêng được mệnh danh là “vua” của các loại trái cây thì măng cụt được mệnh danh là “hoàng hậu” của các loại trái cây. Do vậy, trái măng cụt có giá trị kinh tế cao và có thị trường xuất khẩu rất lớn. Tuy vậy, để sản xuất trái đúng tiêu chuẩn thì không phải dễ dàng. Để xuất khẩu được trái măng cụt phải có trọng lượng >80g, vỏ trái phải tươi láng. Hiện nay Thái Lan đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu trái măng cụt lớn nhất thế giới.
Thịt trái măng cụt chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Trong 100g măng cụt thường có: 73 kcal năng lượng, 17,91g cacbohidrat, 1,8g chất xơ, 0,58g chất béo, 0,41g chất đạm, các loại vitamin như B1, B2, B3, B5, B6, B9 và C. Các chất khoáng gồm canxi, magie, sắt, mangan, photpho, kali, natri, kẽm.
Trong đông y, măng cụt có tính mát, giúp thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể. Phần lớn các thành phần dược lý có trong măng cụt chủ yếu tập trung ở phần vỏ trái có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, chống oxi hóa và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư.
GIỐNG
Măng cụt là một loại cây khó trồng và khó nhân giống. Hiện nay ở Việt Nam phần lớn chỉ có một giống măng cụt. Trái lớn hay nhỏ phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc và cách nhân giống trồng.
MÙA VỤ
Ở ĐBSCL măng cụt thường ra bông từ tháng 12 – 2 dương lịch, thu hoạch tập trung trong tháng 5 – 6 và thường kết thúc trong tháng 7 – 8.
QUY TRÌNH CANH TÁC
Làm đất
Măng cụt là loại cây trồng thích hợp với đất thịt, đất phù sa nhiều hữu cơ, gần nguồn nước tưới và thoát nước tốt, không bị nhiễm mặn. Măng cụt trồng trên đất lên liếp cao với hệ thống mương tưới xung quanh.
Măng cụt là giống có bộ rễ khá yếu, thường chỉ nằm trên lớp đất mặt, do vậy việc bồi đắp hữu cơ trên tầng đất mặt ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng cây và chất lượng của trái. Đất được bổ sung lượng lớn hữu cơ hàng năm từ phân chuồng phân xanh hoai mục.
Chọn giống và gieo trồng
Giống được chọn lấy từ trái to khỏe của cây mẹ tốt cho phẩm chất trái tốt. Cây ươm hạt từ hạt to khỏe không nhiễm sâu bệnh. Gieo hạt trong các bầu đất trên mương liếp thoát nước tốt.
Chăm sóc
Tưới nước: măng cụt là loại cây cần lượng lớn nước tưới nhưng lại có bộ rễ khá yếu. Do đó phải tưới nước đầy đủ cho cây, trong mùa khô tưới nước thường xuyên vào buổi chiều tối. Trong thời gian cây sinh trưởng và cho trái phải tưới đủ nước nếu không trái sẽ nhỏ và bị giảm phẩm chất. Hằng năm vào mùa khô vét bùn bồi lên liếp một lớp từ 3 – 4cm. Một mặt giúp nâng cao mặt liếp, một mặt giúp bồi đắp thêm dinh dưỡng cho cây.
Làm cỏ: măng cụt cũng là một loại cây ưa ẩm nên mùa nóng không làm sạch cỏ, chỉ dùng máy phát cỏ và chừa lại một lớp cỏ mỏng để giữ ẩm cho cây. Mùa mưa làm cỏ xung quanh gốc, không để cỏ tủ quanh gốc quá nhiều vì sẽ làm cây dễ bị bệnh.
Bón phân: mỗi năm bón phân 4 lần:
– Lần 1: sau khi thu hoạch, tỉa cành và bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục kèm phân dơi hữu cơ, tưới nước sau khi bón phân cho bộ lá khỏe mạnh và phục hồi sau khi cây cho trái.
– Lần 2: trước khi cây ra bông 30 – 40 ngày: bón thúc bằng phân hữu cơ ủ từ thân chuối và rỉ mật đường, tro bếp.
– Lần 3: khi cây hình thành trái nhỏ đường kính 1 – 2cm: bón phân chuồng hoai (phân gà, phân dê), kali từ thân chuối và rỉ mật, bón bổ sung chủng vi sinh trichoderma, bacillus.
– Lần 4: khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch tiếp tục bón bổ sung phân hữu cơ giúp trái phát triển đều đẹp và không bị sượng.
Tỉa cành, tạo tán: để cây phát triển cân đối cần tỉa cành tạo tán cho cây. Tỉa đi các cành sâu bệnh, cành thừa, cành chậm phát triển, không có khả năng cho trái để tập trung nuôi các cành có khả năng cho trái, cành khỏe. Việc cắt bỏ cành cũng giúp tán cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng của cây, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh hại đồng thời, tạo tán còn giúp bộ khung của cây khỏe hơn, các cành được phân bố đều, cây không bị đổ ngã khi gặp gió lớn. Đặc biệt phải tỉa ngắn lại 1 đoạn 30- 40cm cho những cành ở mặt ngoài tán nhằm giúp tán cây không giao nhau đồng thời kích thích cây ra đọt nhanh và đồng loạt hơn,…. Dọn sạch tất cả các cành bị cắt ra khỏi vườn và tiêu hủy. Nhất là các cành bệnh để tránh lây lan.
Treo cành: cây măng cụt có cành to nhưng lại rất giòn và dễ gãy. Khi cây măng cụt mang trái nhánh thường có hiện tượng oằn xuống thỉnh thoảng thấy phần nhánh phía trên bị bung vỏ. Qua nhiều vụ nhánh bị gãy hoặc bị khô đi, do đó ở cây có cành phát triển tốt cần phải dùng dây nylon chắc để kéo cành lên, nhằm tránh gãy nhánh hư cành. Treo cành bằng cách cột một đầu dây vào cành và đầu còn lại cột vào thân cây chính. Việc treo cành là cần thiết nhất là trong mùa mưa bão trong giai đoạn cây mang trái và trong vụ thu hoạch.
Sâu, bệnh hại
Sâu hại thường gặp trên măng cụt gồm: sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ.
Các bệnh thường gặp trên măng cụt gồm: xì mủ sượng trái, xì mủ thân, thán thư, đốm rong, đốm lá, chết nhánh.
Phương thức phòng ngừa chính chủ yếu là phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, bồi đắp hữu cơ hàng năm và thường xuyên để cây khỏe và có khả năng kháng bệnh.
Thu hoạch và bảo quản
Hái trái lúc trái có màu hồng, khi hái phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận tránh sự va chạm mạnh trên trái nhằm giảm đến mức thấp nhất sự xây xát. Dùng dụng cụ có túi vải để hái trái và không để rơi tự do trên mặt đất làm xay xát vỏ trái. Ngay sau khi hái xong để vào giỏ có lót rơm hoặc lá chuối để hạn chế những tổn thương sau thu hoạch.
Bảo quản trong túi plastic kín có thể giữ được 21 ngày ở nhiệt độ 2 độ C. Bảo quản trong túi plastic có đục lỗ có thể giữ được 28 ngày ở nhiệt độ 13 độ C. Ở nhiệt độ thường măng cụt có thể bảo quản được từ 5 đến 7 ngày.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
Măng cụt là cây thân gỗ to, sống lâu năm. Chiều cao trung bình của cây có thể lên tới hơn 10 mét. Cây có bộ tán khá rộng với lá dày hình thuôn dài màu xanh sẫm. Trái măng cụt có dạng cầu tròn chỉ bằng trái quýt. Tuy nhiên lớp vỏ của măng cụt khá dày và cứng. Khi chín trái có màu đỏ tím sẫm, bên trong là màu đỏ rượu vang dày và xốp. Ruột măng cụt có màu trắng chia thành nhiều múi khi ăn có vị ngọt thanh hơi chua và hương thơm đặc biệt.
CÁCH SỬ DỤNG
Thịt măng cụt: ăn tươi.
Vỏ trái măng cụt: làm thuốc.
Lưu ý khi sử dụng măng cụt:
– Ăn nhiều măng cụt gây ra hiện tượng như mề đay, mẫn đỏ, sưng, ngứa ở những người nhạy cảm dễ bị dị ứng.
– Nếu ngày nào cũng ăn măng cụt, liên tục trong 1 năm, cơ thể có thể bị nhiễm axit lactic nặng. Chịu chứng là buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, nặng hơn có thể nguy hiểm tới tính mạng.
– Khi dùng măng cụt làm thuốc nên dùng vỏ khô. Dùng nồi đất, không dùng nồi kim loại chế biến thuốc.
– Do có tính hàn không ăn măng cụt với dưa hấu, đậu nành hay các loại có tính hàn khác.
LIÊN HỆ ĐẶT HÀNG
Đặt hàng trực tiếp với Abavina