Abavina - Cộng Đồng Nông Nghiệp Thuận Thiên

GỪNG & CÁCH ABAVINA TRỒNG THUẬN TỰ NHIÊN

LOẠI CÂY TRỒNG

Gừng là loại cây gia vị cổ điển thuộc khu vực Á châu và Phi châu nhiệt đới, được trồng rộng rãi ở nhiều nước từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng gừng nhiều nhất thế giới. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp các địa phương từ vùng núi cao đến đồng bằng và cả ngoài các hải đảo.

Gừng được trồng để làm cây gia vị cho các món ăn, làm thuốc trị được nhiều bệnh thường ngày, như: nôn ói, lạnh bụng, kích thích tiêu hóa chống đầy hơi và hỗ trợ bệnh viêm khớp, dùng làm thảo dược chống nhức đầu chóng mặt khi đi du lịch… Ngoài ra, gừng còn được trồng chậu làm cây cảnh trong sân vườn.

GIỐNG

Gừng sẻ và gừng trâu

MÙA VỤ

Trồng vào mùa mưa hoặc trồng quanh năm khi có đủ nước tưới.

QUY TRÌNH CANH TÁC

Làm đất

Chọn nơi đất tơi xốp, gần mé sông hoặc các bầu đất tự tạo, cuốc bầu và bón lót một lớp phân chuồng hoai mục. Bầu đất cao 30 – 40cm để thoát nước tốt.

Chọn giống và gieo trồng

Chọn giống: giống được trồng nhiều là gừng Trâu và gừng Dé (gừng sẻ giống địa phương).

Chuẩn bị giống: chọn củ gừng già (đủ 9 tháng tuổi trở lên), sạch bệnh bẻ hoặc cắt đoạn củ (ánh) dài 2,5 – 5 cm, trên mỗi ánh phải có ít nhất 1 mắt mầm. 1 kg gừng giống để được 15 – 20 hom giống.

Gieo trồng: lấy hom gừng giống vùi vào bầu đất đã chuẩn bị, đặt hom sâu cách mặt đất 2,5cm – 3cm. Cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 40cm – 50cm, lấy đất mịn phủ lên rồi ấn chặt tay. Tưới nước nhẹ 2 lần/ngày (chỉ tưới vừa đủ ẩm) tới khi cây gừng ra nhiều lá thì tưới nước mỗi ngày một lần.

Chăm sóc

Tưới nước: cung cấp đủ nước và nên tưới thường xuyên mỗi ngày. Tuy nhiên, trong gừng bị bệnh cần điều trị thì cần cắt giảm nước tưới để hạn chế sự lây lan của dịch hại.

Làm cỏ, vun gốc: làm cỏ dại bằng tay vào giai đoạn 25 – 30 ngày sau khi trồng. Trong các tháng sau, khi thấy cỏ dại thì phải làm sạch, không để củ gừng lộ khỏi mặt đất nhằm đảm bảo phẩm chất và giá trị thương phẩm.

Bón phân: rơm rạ, lá cây, cỏ khô, tro trấu ủ mục với chế phẩm trichoderma để bón lót. Bón thúc bằng phân ốc, cá ủ, kali hữu cơ trong quá trình sinh trưởng và phát triển của gừng.

Sâu, bệnh hại

Sâu hại: sâu đục thân thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Phòng ngừa bằng cách xịt dây thuốc cá.

Bệnh cháy lá: bệnh do nấm Fusarium gây nên thường vết bệnh xuất hiện trên chóp lá và cháy từ chóp lá xuống. Nếu bệnh phát triển mạnh, nấm tấn công vào nách lá, xuống củ làm chết cả cây.

Bệnh thối củ (thối xanh): bệnh do vi khuẩn lưu tồn trong đất, nước hoặc côn trùng gây ra. Gừng đang xanh bỗng héo đột ngột vào giữa trưa, có tươi lại vào lúc chiều mát và chết rất nhanh; thân bị nhũn nước, tách rời củ và có màu sậm; khi nhổ lên, đỉnh sinh trưởng có nước màu đục và có mùi hôi đặc trưng.

Bệnh thối vàng: bệnh do nấm Fusarium gây vàng lá, sau đó rụng và chết tương đối chậm, trên củ có vết màu nâu, phần củ nhăn nheo và tóp lại có phủ lớp tơ màu trắng.

Những bệnh này khi bùng phát thì khó trị được. Do đó phòng ngừa là biện pháp được ưu tiên lựa chọn. Phòng ngừa bằng cách làm kỹ đất trước khi gieo trồng để loại trừ các nấm bệnh. Phun phòng bằng chế phẩm trichoderma khi thời tiết ẩm ướt, có độ ẩm cao.

Thu hoạch và bảo quản

Có thể thu hoạch gừng từ 4 tháng trồng trở đi. Gừng để làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng.

Gừng cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Gừng giống được đặt vào thùng, chậu hoặc trải đều trên sàn nhà, ở dưới và trên mỗi lớp củ được phủ bằng một lớp đất mịn, khô, dày 1cm – 2cm.

MÔ TẢ SẢN PHẨM

Cây thảo, sống lâu năm, cao 40cm – 80cm. Thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhiều nhánh. Lá mọc so le thành hai dãy, hình mác thuôn, thắt lại ở gốc, đầu nhọn, dài 15cm – 20cm, rộng 2cm, không cuống, có bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt. Cụm bông dài 5cm, mọc từ gốc trên một cán dài khoảng 20cm do nhiều vảy lợp hình thành, những vảy phía dưới ngắn, càng lên trên càng dài và rộng hơn, lá bắc hình trái xoan, màu lục nhạt, mép viền vàng, đài có 3 răng ngắn, tràng có ống dài gấp đôi đài, 3 thùy bằng nhau, hẹp và nhọn, 1 nhị, nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi, cánh môi màu vàng, có viền tía ở mép, dài 2cm, rộng 1,5cm, chia thành 3 thùy tròn, các thùy bên ngắn và hẹp hơn, bầu nhẵn.

Bụi gừng Abavina

CÁCH SỬ DỤNG

Củ gừng làm rau gia vị: như nước chấm (nước mắm gừng), tương gừng, trong nhiều món xào, món nấu (với thịt dê, bò)…

Củ gừng được dùng làm kẹo, mứt.

Gừng được dùng như nước trà: trà gừng là một thức uống ở nhiều nước châu Á được làm từ củ gừng, trà ủ từ gừng là một phương thuốc dân gian phổ biến để chống cảm lạnh ở nhiều nước.

Các bộ phận cây gừng được dùng làm thuốc: gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, có thể làm ấm tỳ vị. Gừng đốt cháy tồn tính còn gọi là hắc khương. Hắc khương có vị đắng, thường được tẩm đồng tiện, có thể làm ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *