Abavina - Cộng Đồng Nông Nghiệp Thuận Thiên

CỘNG ĐỒNG VÀ CÁCH PHÁT TRIỂN

CỘNG ĐỒNG LÀ GÌ?

Theo định nghĩa thông dụng nhất thì “cộng đồng là tập hợp những người sống chung với nhau có chung những ràng buộc về kinh tế, xã hội, phong tục tập quán”.

Chữ cộng đồng còn được dùng theo nhiều cách khác nhau sau đây:

  • Một địa bàn nhỏ, ví dụ một xã, một thôn, ấp.
  • Một nhóm người đang sống với nhau và cùng chia xẻ các mối quan tâm hoặc lợi ích, ví dụ cộng đồng những nông dân không đất hoặc ít đất.
  • Một nhóm người tuy không sống gần nhau nhưng có chung một số đặc điểm, như cộng đồng trẻ đường phố, gái mại dâm, người tàn tật…

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Các cách hiểu cộng đồng như trên cho chúng ta thấy:

Ranh giới của cộng đồng không phải là ranh giới hành chánh. Việc phân chia ranh giới xã A với xã B chỉ có ý nghĩa rõ rệt đối với chính quyền, đoàn thể trong phạm vi quản lý địa bàn, dân cư. Việc người dân cảm thấy họ thuộc về cộng đồng nào thì phụ thuộc vào những yếu tố ràng buộc khác chớ không chỉ do ranh giới hành chánh.

  • Có những người tuy đang không sống chung với cộng đồng (ví dụ đi làm việc, đi làm ăn xa…) nhưng vẫn thấy mình thuộc về cộng đồng nơi đã lớn lên, bất chấp khoảng cách địa lý.
  • Do các yếu tố ràng buộc rất khác nhau nên các cộng đồng cũng có những đặc điểm rất khác nhau. Một chương trình áp dụng thành công ở cộng đồng này nhưng có thể không thích hợp đối với cộng đồng khác.
  • Cộng đồng tác động rất lớn trên thái độ và hành vi của những người dân sống trong cộng đồng đó. Do vậy cần có hiểu biết càng đầy đủ càng tốt về cộng đồng trước khi thực hiện các chương trình, dự án.

 CÁC CÁCH PHÁT TRIỂN

PHÁT TRIỂN LÀ GÌ?

Phát triển là thay đổi các mặt của đời sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Phát triển phải bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần, bao gồm cả thay đổi về kinh tế lẫn văn hoá xã hội.

CÁC CÁCH PHÁT TRIỂN

Có nhiều cách thực hiện dự án tùy theo quan niệm của phía tài trợ cũng như mong muốn của phía tiếp nhận. Nhìn chung, có ba kiểu dự án phát triển:

Kiểu cung cấp hàng hoá: Phía tài trợ giúp đỡ cộng đồng bằng cách cung cấp nhưng vật phẩm mà cộng đồng đang thiếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, vốn… Với cách này cộng đồng ngày càng bị phụ thuộc vào phía tài trợ. Ngoài ra ý thức tự lực và lòng tự tin cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Kiểu xây dựng cơ sở hạ tầng: Phía tài trợ giúp đỡ cộng đồng bằng cách xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu công, trường học, bệnh viện… Nhìn bề ngoài cách thực hiện dự án này được cộng đồng hoan nghênh và có vẽ vô hại. Thực sự, với cách này cộng đồng cũng bị phụ thuộc vào phía tài trợ, thái độ làm chủ dự án khó phá triển và khả năng duy trì các cơ sở hạ tầng không cao, dẫn tới công trình bị xuống cấp nhưng không có ai bảo quản.

Kiểu tổ chức cộng đồng: Phía tài trợ coi con người là động lực chính của sự phát triển cho nên giúp đỡ cộng đồng bằng cách nâng cao năng lực làm việc của cộng đồng. Có thể dự án có hỗ trợ về vật tư, hàng hoá hay cơ sở hạ tầng nhưng cái mà dự án nhắm vào là con người.

Chuyến đi thăm Cộng Đồng

CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ CỦA MỘT DỰ ÁN PHÁT TRIỂN

1. Phía tiếp nhận phát huy thái độ làm chủ

Trong một dự án phát triển thì mối quan hệ giữa phía tài trợ và phía tiếp nhận cần được xây dựng theo hướng tích cực sao cho ngay từ đầu cộng đồng phải cảm thấy dự án là của mình. Trong quá trình thực hiện, càng ngày cộng đồng càng phát triển tinh thần làm chủ dự án nhiều hơn. Ý thức và khả năng làm chủ dự án là một yếu tố quan trọng trong quá trình nâng cao năng lực cộng đồng.

Tránh làm dự án theo kiểu làm ơn vì nếu bên nhận tiếp nhận thụ động và khi dự án kết thúc thì mọi việc cũng kết thúc mà không để lại sự thay đổi nào đáng kể.

2. Có sự tham gia của cộng đồng

Sự tham gia là điều kiện cơ bản của mọi dự án phát triển. Người dân trong cộng đồng phải có cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng thực hiện và đánh giá dự án.

Chính sự tham gia sẽ giúp cho người dân trong cộng đồng:

  • Thức tỉnh về tình trạng hiện tại của mình
  • Có ý muốn tạo nên một sự thay đổi
  • Được nâng cao năng lực và lòng tự tin, thái độ tự lực
  • Phát triển năng lực sỡ hũu dự án và có ý muốn duy trì những thành quả đạt được.

3. Có tính bền vững

Một dự án phát triển sẽ không có ý nghĩa xã hội nào nếu như sau khi thực hiện người dân trong cộng đồng không thể tiếp tục duy trì những kết quả đã có được. Muốn làm tăng tính bền vững của dự án cần chú ý tới những vấn đề sau đây:

  • Dự án phải đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của cộng đồng.
  • Mọi giải pháp kỹ thuật phải phù hợp với khả năng và nguồn lực của cộng đồng.
  • Mọi chương trình hành động phải do cộng đồng tham gia và quyết định.
  • Mối quan hệ giữa hai phía phải thực sự bình đẳng và dựa trên các nguyên tắc phát triển cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *